BẢNG CÂU HỎI CLINKER
1. Clinker là gì?
Clinker xi măng là sản phẩm chứa các pha (khoáng) có tính chất kết dính thủy lực, nhận được bằng cách nung đến nhiệt độ kết khối hoặc nóng chảy hỗn hợp nguyên liệu xác định (phối liệu). Nguyên liệu chính để nung luyện Clinker là đá vôi khoảng 80%, đá sét khoảng 13%, còn lại là quặng sắt hoặc/và cao silic hoặc/và bô xít.
- STARCEMT cung cấp sản phẩm Clinker gì?
Sản phẩm Clinker của công ty chúng tôi sản xuất là Clinker xi măng Portland Cpc50.
- Clinker xi măng Portland là sản phẩm thu được sau khi nung hỗn hợp nguyên liệu có thành phần cần thiết đến kết khối để tạo thành các khoáng chủ yếu gồm canxi silicát độ kiềm cao (C3S, C2S) cũng như canxi aluminat (C3A) và canxi alumôferít (C4AF).
-Theo hoạt tính cường độ, Clinker xi măng Portland thương phẩm được chia thành 4 mức:CPC30, CPC40, CPC50, CPC60.
Trongđó:
+ CPC là kí hiệu Clinker xi măng Portland;
+ Các trị số 30, 40, 50, 60 là hoạt tính cường độ của Clinker xi măng Portland thương phẩm, tính bằng N/mm2 (MPa).
- Hoạt tính cường độ của Clinker xi măng Portland là giá trị cường độ nén (theo TCVN 6016:2011) của mẫu xi măng thử nghiệm có độ mịn (3100±100)cm2/g (theo phương pháp blaine) và phần còn lại trên sàng có kích thước lỗ 0.09mm không lớn hơn 10%: được nghiền trong máy nghiền bi thí nghiệm, từ hỗn hợp Clinker xi măng Portland và thạch cao tự nhiên loại Gn90 trở lên (theo TCVN 9807:2013) với hàm lượng SO3 tương đương là (2±0.2)% trong xi măng.
- Các thành phần khoáng chính của Clinker Portland là gì?
Có 4 khoáng chất của Clinker Porland là:
-
- Tricanxi silicat hay là alit (40 – 65) % : C3S (3CaO.SiO2)
-
- Dicanxi Silicat hay là belit (15 – 35) % : C2S (2CaO.SiO2)
-
- Tricanxi aluminat (4 – 14) % : C3A (3CaO.Al2O3)
-
- Alumoferit (10 – 18) % : C4AF (4CaO.Al2O3.Fe2O3)
Trong đó 2 khoáng cuối cùng có tên chung là: selit hay là các khoáng nóng chảy, là thành phần chủ yếu tạo pha lỏng của Clinker Portland. Nếu không có nó thì khoáng thứ nhất (alit) rất khó khăn tạo thành và cả hai khoáng alit và belit rất khó kết luyện thành viên/ hạt Clinker.
Ngoài ra, tùy thuộc vào các chỉ tiêu kỹ thuật chế tạo nêu trên, trong thành phần khoáng của Clinker Portland có thể có một ít các khoáng ở dạng không ổn định như: C2A, CA, CA2, C2F và CF.
XI MĂNG
1. Xi măng là gì?
-
- Xi măng (xi măng Portland) là một chất kết dính thủy lực, là dạng bột mịn màu đen xám, sản phẩm nghiền mịn của Clinker xi măng với những phụ gia theo tỷ lệ thích hợp.
- Xi măng Portland là thành phần cơ bản của bê tông và vữa. Nó hoạt động như một loại keo để kết dính cát, đá với nhau tạo thành khối đá nhân tạo.
- Tại sao gọi là Xi măng Portland
Portland là tên một bán đảo ở miền Nam nước Anh. Đất đá ở miền này sau khi nghiền mịn thì trở thành một chất kết dính thủy lực tự nhiên có màu xám đen mà không phải qua pha chế nung luyện gì cả. Tại vùng này ngày xưa có nhiều núi lửa, đất đá ở đây chính là sản phẩm từ việc nung luyện xi măng tự nhiên do sự phun trào dung nham núi lửa.
Tuy nhiên, xi măng tự nhiên này không được cứng chắc như xi măng ngày nay do lẫn nhiều tạp chất và sự nung luyện của núi lửa không phải là một qui trình kỹ thuật hoàn chỉnh. Từ ý tưởng và nguồn gốc đó người ta lấy tên bán đảo này đặt tên cho loại xi măng ngày nay và thường được gọi là xi măng Portland.
- Xi măng Portland và Xi măng Portland hỗn hợp là gì?
Xi măng Portland được chế tạo bằng cách nghiền mịn Clinker xi măng Portland với thạch cao.
Xi măng Portland hỗn hợp được chế tạo bằng cách nghiền mịn Clinker xi măng Portland với các phụ gia khoáng và lượng thạch cao cần thiết.
- Thị trường Việt Nam hiện có những loại Xi măng nào?
Xi măng trên thị trường Việt Nam được phân làm 02 loại chính:
-
- OPC (PC): Ordinary Portland Cement: Xi măng Portland thường
- PCB: Portland Cement Blended: Xi măng Portland hỗn hợp
PC: là xi măng Portland chỉ gồm thành phần chính là clinker và phụ gia thạch cao. Ví dụ: PC30, PC40, PC50
PCB: là xi măng Portland hỗn hợp vẫn với thành phần chính là Clinker, thạch cao, ngoài ra còn một số thành phần phụ gia khác như đá Puzzoland, đá vôi, đá đen, xỉ… Ví dụ: PCB30, PCB40, PCB50
- Xin giải thích ký hiệu PC40, PC50 và PCB40, PCB50 ghi trên bao bì xi măng là gì:
PC: được quy ước cho Xi măng Portland
PCB: được quy ước cho xi măng Portland hỗn hợp.
Trị số 40, 50: là giới hạn cường độ nén của mẫu vữa xi măng sau 28 ngày dưỡng hộ tính bằng N/mm2, xác định theo TCVN 6016:1995.
- Các nguyên liệu chính để sản xuất Xi măng
Các nguyên liệu sản xuất xi măng bao gồm: Clinker, thạch cao, puzzolan, đá vôi, đá đen và một số phụ gia khác nếu có.
-
- Hàm lượng Clinker chiếm từ: 55 – 75 % (nguyên liệu chính)
- Thạch cao: 4 – 5% (điều chỉnh thời gian đông kết xi măng)
- Puzzolan + đá vôi + đá đen từ: 20 – 40%
- Các yếu tố nào quyết định đến chất lượng xi măng
- Chất lượng Clinker Porland hoặc chất lượng của xi măng Portland (PC)
- Chất lượng của các loại phụ gia khoáng
- Độ nghiền mịn của xi măng
- Công nghệ sản xuất
- Chất lượng của Xi măng Portland hỗn hợp PCB40 và PCB50 được qui định như thế nào?
Các chỉ tiêu chất lượng của Xi măng Portland hỗn hợp được theo yêu cầu của TCVN 6260:2009 quy định cụ thể là như sau:
Các chỉ tiêu |
Mức |
|
PCB40 |
PCB50 |
|
1 - Giới hạn bền khi nén, MPa , min |
|
|
- 3 ngày ± 45 phút |
18 |
22 |
- 28 ngày ± 8 giờ |
40 |
50 |
2 - Thời gian đông kết (phút) |
|
|
- Bắt đầu , không nhỏ hơn |
45 |
|
- Kết thúc, không lớn hơn |
420 |
|
3 - Độ nghiền mịn : |
|
|
- Phần còn lại trên sàng kích thước lỗ 0,09 mm , % , không lớn hơn |
10 |
|
- Bề mặt riêng xác định theo phương pháp Blaine, cm2/g , không nhỏ hơn |
2800 |
|
4 - Độ ổn định thể tích xác định theo phương pháp Le Chartelier, mm, không lớn hơn |
10 |
|
5 - Hàm lượng SO3 , % , max |
3,5 |
|
6, Độ nở autoclave (áp dụng khi có yêu cầu của khách hàng), %, không lớn hơn |
0,8 |
- Cho tôi hỏi xi măng đạt chất lượng phải tuân theo tiêu chuẩn nào? Dấu hiệu nhận biết xi măng đạt tiêu chuẩn chất lượng?
- Xi măng đạt chất lượng là xi măng có các chỉ tiêu cơ lý đạt theo yêu cầu trong Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6260:2009 của nhà nước quy định.
- Dấu hiệu nhận biết xi măng đạt tiêu chuẩn chất lượng bằng cách kiểm tra dấu hợp quy được in trên vỏ bao của sản phẩm.
- Cho tôi hỏi chỉ tiêu kỹ thuật chính để đánh giá chất xi măng?
Cường độ xi măng “mác xi măng” là chỉ tiêu chính để đánh giá chất lượng xi măng. Chỉ tiêu này được xác định bằng thí nghiệm theo Tiêu chuẩn TCVN 6016:2011 quy định cơ bản như sau:
-
- Trộn mẫu gồm: 1 xi măng + 3 cát tiêu chuẩn + nước tiêu chuẩn.
- Đúc khuôn mẫu 4x4x16 cm, bảo dưỡng trong môi trường tiêu chuẩn.
- Bẻ và ép mẫu bằng dụng cụ chuyên dụng sau 3 và 28 ngày để ghi nhận cường nén đạt được. Dựa vào kết quả nén mẫu người ta đánh giá chất lượng xi măng theo các loại “Mác” PCB30, PCB40, PCB50…theo TCVN 6260:2009.
- Xin cho biết cách thức bảo quản xi măng?
Xi măng rất háo nước, do đó cần được bảo quản đúng quy định:
- Phương tiện vận chuyển: sàn phải khô, có bạt che mưa.
- Kho chứa phải khô ráo, sạch, nền cao có tường bao và mái che chắc chắn
- Các bao xi măng nên đặt trên palet và cách xa vách 20cm.
- Các bao xi măng không được xếp quá 10 bao.
- Cho tôi hỏi về việc chọn lựa Mác xi măng phù hợp cho công trình?
Hồ xi măng có vai trò liên kết các thành phần như: đá, sỏi, cát lại với nhau tạo thành một khối cứng gọi là đá nhân tạo. Vì tính chất quan trọng này nên chúng ta phải lựa chọn mác xi măng cho phù hợp với công trình xây dựng.
-
- Không nên dùng xi măng mác thấp sản xuất bê tông mác cao → vì sẽ làm hư hỏng công trình.
- Không nên dùng xi măng mác cao thay xi măng mác thấp → vì gây lãng phí hoặc không đủ lượng xi măng tối thiểu theo định mức vật tư của Bộ Xây Dựng quy định.
- Tại sao khi sử dụng nước nhiễm phèn để phối trộn thì bê tông bị trương nở?
Theo câu hỏi của bạn, chúng tôi hiểu rằng "nước có phèn" mà bạn đề cập có thể là nước nhiễm mặn hoặc nước biển. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giãn nở của bê tông liên quan đến bản chất xi măng gốc, các cốt liệu và phụ gia sử dụng. Tuy nhiên theo nội dung câu hỏi của bạn chúng tôi có thể giải thích nguyên nhân chủ yếu như sau:
Trong thành phần xi măng thường (không phải là xi măng bền sunphát) có chứa khoáng C3A (Aluminat Canxi). Đây là một khoáng phản ứng rất nhanh và tạo ra cường độ ban đầu cho xi măng. Tuy nhiên, khi mẫu xi măng (hoặc bê tông) được ngâm trong môi trường nước mặn (có chứa các thành phần muối sunphát), kết hợp với sự có mặt của Ca(OH)2 (một sản phẩm phụ sinh ra trong quá trình thuỷ hoá xi măng), sản phẩm thuỷ hoá của C3A sẽ sinh ra Entringit tái kết tinh gây trương nở thể tích đồng thời làm suy giảm cường độ của xi măng.
- Vì sao thạch cao được đưa vào để sản xuất xi măng?
-
- Đối với câu hỏi này bạn có thể tìm hiểu thông tin chi tiết tại Tiêu chuẩn ngành số 20 TCN - 168 - 89 "Thạch cao dùng để sản xuất xi măng" do Bộ Xây dựng ban hành.
- Thạch cao đưa vào để điều chỉnh tốc độ đóng rắn của xi măng và bê tông. Nếu xi măng không có thạch cao khi trộn hỗn hợp vữa khô với nước sẽ đóng rắn ngay nên không có đủ thời gian để thi công công trình.
- Lượng nước trong vữa bê tông hoặc vữa xây tô có ý nghĩa như thế nào?
- Nếu ít nước, hồ vữa khô, khó thi công, bê tông không phát triển được hết cường độ.
- Nếu nhiều nước, hồ vữa nhão, dễ thi công, nhưng mác vữa - bê tông sẽ giảm, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
- Giải quyết hiệu quả vấn đề này, người ta dùng các kỹ thuật hỗ trợ (trộn bằng máy quay ly tâm, thêm phụ gia) để dùng một lượng nước tối thiểu, đảm bảo độ dẻo tốt để thi công dễ dàng.
- Về nguyên tắc: không có một công thức cố định nào về tỷ lệ nước trong bê tông hoặc trong hồ vữa, mà nên thí nghiệm tại chỗ, vì còn phù thuộc vào các yếu tố cụ thể (lượng xi măng, độ ẩm của cát, độ hút nước của cốt liệu…).
- Màu sắc xi măng ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng xi măng và công trình?
Màu sắc xi măng không ảnh hưởng đến chất lượng xi măng nhưng ảnh hưởng gián tiếp đến chất lượng công trình. Nguyên nhân do thợ thầu trộn cấp phối vữa không theo hướng dẫn in trên vỏ bao mà chỉ định lượng theo màu của hồ vữa. Vì vậy họ có thể thêm xi măng hoặc cốt liệu trong quá trình trộn dẫn đến các vấn đề sau:
-
- Vữa trộn kém dẻo, bời rời kém kết dính → khó thi công
- Cường độ mạch vữa xây, tường tô kém → ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
- Bề mặt tường tô bị răng nứt, bong tróc lớp bên ngoài → không chống thấm tốt, mất thẩm mỹ và giảm chất lượng công trình.
17.Cửa hàng VLXD của tôi dự tính mở rộng kho chứa, tôi muốn biết cách bảo quản như thế nào là tốt nhất để an toàn cho xi măng?
Xi măng sau khi xuất xưởng tốt nhất là đem dùng ngay, lưu kho càng lâu xi măng càng bị giảm chất lượng. Nếu phải lưu kho, cần hết sức tránh ẩm xâm nhập vào xi măng.
Khi bảo quản cần thực hiện:
-
- Xung quanh kho phải có hệ thống thoát nước tốt, nền kho phải khô ráo và chống được ẩm ngấm từ dưới lên.
- Tường, cửa và mái nhà kho phải kín, không để mưa hắt, dột vào xi măng qua mái thủng, tường hở.
- Các bao xi măng được kê trên bục hoặc đặt trên pallet, không để trực tiếp xuống sàn, cách xa vách 20cm.
- Mỗi chồng không cao quá 10 bao, nếu để trên 1 tháng phải đảo chồng bao.
- Tôi thấy nhiều người nói về Cường độ (mác) bê tông mà tôi không hiểu, xin hỏi Cường độ (mác) bê tông để ứng dụng vào các hạng mục công trình như thế nào?
“Mác” là khả năng chịu nén của mẫu bê tông có kích thước 150x150x150 mm, được bảo dưỡng theo điều kiện tiêu chuẩn và nén sau thời gian 28 ngày. Trong kết cấu xây dựng, bê tông chịu nhiều tác động khác nhau: chịu nén, uốn, kéo... trong đó chịu nén là ưu thế lớn nhất của bê tông. Do đó thường lấy cường độ chịu nén là chỉ tiêu đặc trưng để đánh giá chất lượng bê tông.
Mác bê tông: 100, 150, 200, 250, 300, 400, 500 và 600. Mỗi công trình xây dựng đều phải được tính toán để xác định chọn mác bê tông cho phù hợp.
Một số Mác thông thường:
-
- Móng, trần nhà phổ thông cần mác bê tông: 200 - 250.
- Nhà cao tầng: 300 - 350.
- Silô, bể chứa lớn: 350 - 400.
- Móng trụ cầu: 350 trở lên.
- Xin cho hỏi về yêu cầu đối với các nguyên liệu dùng trong quá trình thi công?
- Nên dùng loại cát có cỡ hạt to và vừa (có mô đun độ lớn từ 1.5 đến 3,3) sẽ cho bê tông bền chắc hơn loại cát có cỡ hạt nhỏ.
- Đá hoặc sỏi cốt liệu: Phải có mác lớn hơn mác bê tông thiết kế ít nhất 1,5 lần. Kích thước viên đá lớn nhất phải nhỏ hơn 1/3 chiều dày nhỏ nhất của cấu kiện bê tông.
- Nước dùng trộn và bảo dưỡng bê tông: Sử dụng nước ngọt, sạch. Không dùng nước bẩn, nước lợ, nhiễm mặn, chua phèn...
- Xin cho hỏi ưu điểm của xi măng STARMAX PCB40 là gì?
-
- STARMAX chất lượng luôn ổn định, cường độ cao phù hợp với các hạng mục bê tông móng, cột, dầm, sàn giúp tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu cho 01 mẻ trộn và giảm chi phí sản xuất.
- STARMAX có độ dẻo phù hợp giúp dễ xây tô, dễ kéo bay cho bề mặt tường láng mịn, tạo độ thẩm mỹ cao và cải thiện khả năng chống thấm.
-
- STARMAX với độ mịn cao, độ bám dính tốt ít rơi vãi, hoàn thiện bề mặt nhanh giúp tiết kiệm chi phí & thời gian thi công.
- STARMAX cho cường độ sớm phát triển cao giúp thầu thợ có thể tháo cốp pha sớm rút ngắn thời gian thi công tiết kiệm chi phí sản xuất.
- STARMAX với cường độ muộn tiếp tục phát triển cho công trình vững chắc dài lâu.
- Xin cho hỏi yêu cầu khi trộn bê tông/ vữa bằng thủ công để đảm bảo chất lượng công trình?
- Trước tiên trộn khô cát với xi măng cho đến khi đều màu.
- Rải đá hoặc cốt liệu thành một lớp mỏng 10 ÷ 15 cm.
- Xúc hỗn hợp cát - xi măng rải đều lên trên
- Tưới một phần nước rồi dùng xẻng và cào trộn đều.
- Tiếp đó vừa trộn vừa tưới hết lượng nước qui định.
- Phải trộn cho hỗn hợp bê tông đồng nhất.
- Thời gian trộn hỗn hợp bê tông thủ công từ lúc trộn ướt không nên kéo dài quá 20 phút cho một mẻ.
- Xin cho hỏi về yêu cầu chuẩn bị cho quá trình đổ bê tông và thi công đảm bảo chất lượng tốt?
- Lắp ghép cốp pha chắc, kín, đủ chịu được độ rung động khi đầm và không chảy mất nước xi măng của vữa bê tông.
- Đánh sạch cốt thép, đặt thép đúng chiều chịu lực, chỉnh thẳng trước khi buộc.
- Đổ bê tông liên tục thành khối, nếu đổ bê tông thủ công dùng đầm quả nhót xăm chọc thật nhanh và kỹ cho khối bê tông đặc chắc, không còn lỗ rỗng bên trong. Nên dùng
đầm máy (đầm bàn, đầm dùi) để tăng độ đặc chắc cho khối bê tông nhưng không đầm quá lâu tránh hiện tượng bê tông bị phân tầng.
- Cho tôi hỏi dùng xi măng nóng hay xi măng nguội tốt hơn?
Về mặt kỹ thuật khi sử dụng xi măng nóng bất lợi hơn xi măng nguội vì:
-
- Khi trộn vữa có xi măng nóng thường xảy ra hiện tượng khan nước và nếu tăng thêm nước thì hỗn hợp vữa sẽ dư nước. Lượng nước dư sau phản ứng thủy hóa sẽ giữ lại bên trong cấu trúc. Sau khi tháo cốp pha, lượng nước đã bay hơi sẽ tạo nên các lỗ rỗng làm giảm cường độ nén của vữa/ bê tông.
- Khi sử dụng xi măng nóng đổ bê tông có khối lớn, thì quá trình thủy hóa sẽ mạnh hơn – tạo sự chêch lệch nhiệt độ cục bộ tăng cao, dẫn tới nứt vỡ cấu trúc bên trong.
- Xi măng nóng trộn vữa tô tường với quá trình thủy hóa mạnh hơn dễ xảy ra hiện tượng co ngót dẻo làm cho bề mặt tường tô có thể bị rạn, nứt chân chim gây mất thẩm mỹ, giảm khả năng chống thấm.
Vì vậy, sử dụng xi măng nguội sẽ tốt hơn, tuy nhiên xi măng phải còn trong thời hạn sử dụng và được bảo quản đúng cách.
- Tôi đang có nhu cầu mua xi măng xây nhà cao tầng, cho tôi hỏi nên dùng loại xi măng nào cho phù hợp?
Với những công trình nhà cao tầng bạn nên dùng xi măng STARPRO PCB50 vì có những ưu điểm sau:
-
- STARPRO PCB50 chất lượng ổn định, cường độ cao cho các hạng mục bê tông móng, cột, dầm, sàn giúp tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu cho 01 mẻ trộn và giảm chi phí sản xuất.
- STARPRO với cường độ sớm phát triển cao giúp các đơn vị thi công, thầu thợ có thể tháo cốp pha sớm rút ngắn thời gian thi công tiết kiệm chi phí sản xuất.
- STARPRO PCB50 cho cường độ muộn tiếp tục phát triển đảm bảo tuổi thọ công trình được bền vững theo thời gian.
- STARPRO PCB50 duy trì độ sụt tốt giúp cho việc thi công dễ dàng tiện lợi, tạo khối bê tông đặc chắc cải thiện đáng kể cường độ, khả năng chống xâm thực và chống mài mòn của bê tông.